Affective Filter – Bộ lọc cảm xúc

Mình có cảm hứng viết bài này sau cuộc trò chuyện với bác người Mỹ bạn mình cách đây không lâu. Bác rất nhiệt tình và dễ thương. Mình thích nói chuyện với bác bởi năng lượng tích cực & sự cởi mở của bác. 1 điều thú vị mình quan sát được khi nói chuyện với bác là Tiếng Anh của mình trở nên cực kỳ lưu loát & uyển chuyển, mình “truy cập” vào kho từ vựng & tìm từ phù hợp nhanh hơn, mình cũng không ngại nói sai trước mặt bác. Vd như có đoạn mình đang chê 1 dịch vụ mắc & không đáng tiền, lúc đầu mình nói thành “ripping-off” nhưng ngay lập tức cảm thấy nó có gì sai sai liền hỏi lại “Ah đáng nhẽ ra là rip-off phải không?” & bác vui vẻ xác nhận từ đúng là rip-off. Vd: Don’t buy that expensive dishwasher, it’s a rip-off.

Cuộc trò chuyện này làm mình nhớ đến học thuyết Bộ Lọc Cảm Xúc (Affective Filter) được nhắc đến trong khóa thạc sỹ TESOL mà mình theo học. Vì mình thấy thoải mái khi nói chuyện với bác nên khả năng tiếp nhận, truy hồi thông tin & sự lưu loát của mình tăng lên đáng kể.

Thuyết bộ lọc cảm xúc
(Affective Filter Hypothesis)

Theo thuyết Bộ Lọc Cảm Xúc của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Krashen thì những cảm xúc tiêu cực sẽ tạo ra 1 “bộ lọc” làm giảm khả năng tiếp nhận thông tin, kiến thức học được, giảm sự tự tin khi tương tác, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của người học.

Những cảm xúc tiêu cực đó có thể là nỗi sợ nói sai, sợ quê, sự căng thẳng, việc thiếu động lực học Tiếng Anh… Bạn thử nhớ lại xem, có phải bạn luôn nói trôi chảy hơn (Tiếng Anh hay bất kì 1 ngoại ngữ nào) khi bạn cảm thấy thoải mái không?

Bộ lọc cảm xúc càng cao (càng nhiều cảm xúc tiêu cực) sẽ làm giảm khả năng tiếp thu kiến thức của người học & ngược lại. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể ứng dụng hiểu biết về thuyết này vào việc học & dạy Tiếng Anh như thế nào?

“Negative emotions create psychological filter that reduces a student’s ability to absorb comprehensible input”

Krashen

Ứng dụng của thuyết bộ lọc cảm xúc

Ứng dụng cho người học Tiếng Anh

1. Tìm & áp dụng những phương pháp giúp giảm căng thẳng phù hợp. Ví dụ:

  • Hít thở sâu
  • Tự nhắc bản thân mình có thể nói tốt & mình không cần hoàn hảo. Không có ai hoàn hảo cả. Miễn là mình luôn học được 1 điều gì đó & liên tục cải thiện, mình vẫn đang tiến bộ.

2.  Chọn những người bạn (partner) học Tiếng Anh mà bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện cùng.

Chọn những người mà bạn cảm thấy mình sẽ không bị đánh giá (judge) hay phải cố chứng tỏ bản thân với người đó. Lưu ý là ở đây mình dùng từ “đánh giá” với ý nghĩa tiêu cực. Nếu 1 người giỏi TA hay giáo viên TA sẵn lòng cho bạn feedback mang tính đóng góp (constructive & non-judgemental feedback) & bạn cũng thấy thoải mái với người đó thì tất nhiên là bạn nên chọn luyện tập với họ nếu có thể.

3. Đừng cố tỏ ra hoàn hảo 

Mắc lỗi & sửa lỗi là 1 một phần quan trọng của việc học. Mình rất thích câu “If you’re not making mistakes, you’re not growing.”
4. Chọn những hoạt động nói Tiếng Anh phù hợp cho bản thân mình  
Mỗi chúng ta là một cá thể khác nhau, với cách học & cách tiếp thu khác nhau. Một hoạt động/phương pháp có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia. Hiểu bản thân mình là ai và cái gì là phù hợp với mình rất quan trọng.
Ví dụ: Nếu bạn là 1 người cực kì hướng nội & ngại tiếp xúc với người lạ hay môi trường đông người thì có thể bắt đầu luyện nói bằng kỹ thuật Shadowing (coi video/nghe audio sau đó bắt chước cách người khác nói), hay có những bạn sẽ thích đứng trước gương tự nói với bản thân. Khi đã thoải mái hơn thì bắt đầu tìm kiếm người phù hợp để luyện tập 1 – 1, và sau đó là nói chuyện với những người khác. Mặt khác, nếu bạn thích tương tác với nhiều người thì hãy mạnh dạn tham gia những câu lạc bộ hay cộng đồng nói Tiếng Anh & tìm đối tác để luyện tập.

Ứng dụng cho giáo viên Tiếng Anh

1. Chọn hoạt động phù hợp với đối tượng học viên

Khi soạn giáo án, hãy luôn tự hỏi bản thân mình 2 câu:

– Liệu hoạt động/tài liệu/hình ảnh minh họa này có phù hợp với TUỔI của học viên không? Vd: trẻ em thường rất thích TPR (Total physical response) activities – các hoạt động cho phép cơ thể vận động; người lớn sẽ thích discussion – thảo luận nhóm. Điều này không có nghĩa chúng ta không bao giờ tổ chức TPR activities cho người lớn hoặc cho trẻ em thảo luận nhóm, chỉ là khi soạn giáo án, chúng ta cần cân nhắc yếu tố này. Bản thân mình cũng đã từng phạm sai lầm khi minh họa hình ảnh hơi đáng sợ trong bài giảng nói về Halloween. Kết quả là 1 bé học viên nhỏ học lớp 4 của mình đã bịt mắt lại không dám nhìn, và sự cố đó nhắc nhở mình phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn materials phù hợp với tuổi của học viên để không ảnh hưởng đến cảm xúc của các bạn.

– Liệu hoạt động này có phù hợp với LEVEL của học viên hay không? Nếu activity quá dễ thì học viên sẽ cảm thấy chán, dễ quá sẽ làm học viên nản. Chán & nản đều sẽ làm tăng affective filter khiến performance của học viên giảm sút.

2. Đừng vội đánh giá mà hãy tìm hiểu nguyên nhân khi học viên có biểu hiện tiêu cực trong lớp

Khi học viên nhỏ cư xử kém (misbehave) hoặc học viên người lớn không tập trung (distracted), thay vì cho rằng (assume) là bạn này là học sinh kém (bad student) thì giáo viên đứng lớp nên tìm hiểu nguyên nhân. Đôi khi gia đình/công việc của bạn học viên đó đang có chuyện, bạn đang rất buồn và không thể tập trung học được. Khi học viên cảm thấy sự quan tâm và cảm thông của giáo viên, tâm trạng của bạn có thể tốt hơn, giúp làm giảm affective filter & điều đó sẽ có tác động tích cực đến performance của bạn trong lớp.

3. Đừng liên tục sửa lỗi hv khi không cần thiết (overcorrection)

Việc sửa lỗi liên tục sẽ khiến học viên mất tự tin vào bản thân, sợ nói Tiếng Anh, làm tăng affective filter. Giáo viên cần phân biệt mistakes (lỗi vô tình mắc do tai nạn chứ không phải do học viên không có kiến thức) & errors (lỗi do thiếu kiến thức), đồng thời nghiên cứu các error correction techniques (phương pháp sửa lỗi) hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Sách: Approaches & Methods in Language Teaching (Richards & Rodgers)

2. https://www.leonardoenglish.com/blog/overcome-your-fear-of-speaking-english

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *