IELTS SPEAKING: 3 điều không nên làm & 7 điều nên làm

Mở đầu

Chào các bạn, Hannah lại quay trở lại với 1 bài viết mới về Phương pháp học Tiếng Anh hiệu quả. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số tips cho Ielts Speaking. Cho những ai chưa biết mình: Mình là Hannah, giáo viên dạy Phát Âm, Giao Tiếp & Tutoring với Ielts Speaking 8.0, hiện đang du học thạc sỹ ngành giảng dạy Tiếng Anh (Master of TESOL) tại vương quốc Anh với học bổng 50% tại trường Edge Hill University.

Bài viết này dành cho ai?

Bài viết này sẽ phù hợp cho những bạn đang cần cải thiện điểm Ielts Speaking lên 6.5 hoặc 7.0. Nếu bạn đã thi Ielts nhiều lần nhưng Ielts Speaking cứ loay hoay ở 5 hay 5.5 thì bài viết này dành cho bạn.

Case study: bạn học trò đã cải thiện điểm Ielts Speaking từ 5.5 lên 6.5 sau 1 tuần

Cách đây không lâu mình đã nhận kèm 1 bạn học viên sinh năm 2004 đang muốn cải thiện điểm Ielts Speaking. Bạn đã thi Ielts 3 lần, các kỹ năng khác của bạn tương đối tốt với Reading lên tới 8.0 & Listening 7.5 nhưng điểm Speaking cứ mãi lẹt đẹt ở 5.5. Sau khi làm mock test với bạn cũng như hỏi kỹ lại cách bạn làm test ở những lần trước, mình đã hiểu lý do vì sao điểm Speaking lại dừng ở con số đó mặc dù bạn biết rất nhiều từ vựng & nói trôi chảy.

Những lỗi bạn đang mắc:

  • Phát âm sai nhiều từ
  • Vì phát âm sai mà còn nói rất nhanh nên có nhiều chỗ mình nghe không rõ & không hiểu bạn đang nói gì
  • Part 1 trả lời quá dài dòng không cần thiết. Vd: kể tất cả những gì bạn biết về TPHCM khi có ai hỏi bạn từ đâu đến => điều này không cần thiết, có thể làm giám khảo nghĩ là bạn không hiểu câu hỏi.
  • Part 2 không triển khai đủ ý nên khá ngắn (vd: bạn chỉ nói được hơn 1 phút => bạn nên nói từ 1,5 – 2 phút cho phần này)
  • Có một số niềm tin sai lầm về Ielts Speaking

Lưu ý: Mỗi người học sẽ có những vấn đề khác nhau (ngữ pháp, từ vựng, phát âm, độ lưu loát…). Trong trường hợp này, bạn học viên đã có nền tảng Tiếng Anh tương đối tốt, vốn từ vựng khá phong phú & không bị sai nhiều về ngữ pháp. Vấn đề chính của bạn là phát âm & những niềm tin sai lầm về phần thi Ielts Speaking. Nếu ngữ pháp của bạn vẫn yếu hay vốn từ vựng của bạn vẫn còn hạn chế thì bạn sẽ cần thời gian nhiều hơn 1 tuần để cải thiện điểm Speaking của mình nhé.

Dưới đây là những tips Hannah đã dạy bạn trong lớp. Sau 3 buổi học với mình (mỗi buổi 3 tiếng), bạn thi lại Ielts và được Speaking 6.5.

Những điều không nên làm (Don’ts) 

1. Trả lời lan man, nói càng dài càng tốt: Đây là hiểu lầm khá phổ biến của nhiều người học. Có bạn còn được khuyên là Ielts Speaking không có Task Response nên cứ nói thật nhiều & dài, chỉ cần trôi chảy là được. Mình xin nói thẳng đây là hiểu lầm rất tai hại. Bạn nói nhiều và dài nhưng không trả lời đúng câu hỏi thì giám khảo cũng không đánh giá bạn cao được. Giám khảo còn có thể nghĩ là bạn không hiểu câu hỏi & chỉ đang nói lại những gì đã học thuộc lòng ở nhà.

2. Trả lời quá ngắn (1 từ hoặc 1 câu): Nếu bạn trả lời quá ngắn (tuy là đúng ý) thì giám khảo cũng không có cơ sở gì để đánh giá được khả năng ngôn ngữ của bạn.

3. Sử dụng từ vựng mà mình không chắc: “không chắc” ở đây có nghĩa là không chắc cách phát âm, không chắc cách sử dụng từ trong câu như thế nào cho đúng, không biết collocation của từ (nhóm từ mà từ này thường đi cùng). Vậy nên khi học từ vựng, bạn nhớ luôn luôn kiểm tra cách phát âm của từ cũng như cách dùng của từ này trong câu, từ sẽ được sử dụng trong ngữ cảnh nào… Nên check trên những nguồn uy tín như từ điểm Cambridge hay Oxford.

Những điều nên làm (Dos)

1. Nói to & rõ ràng, đảm bảo người nghe có thể follow và hiểu bạn đang nói gì. Bé học trò của mình bị vướng lỗi nói rất nhanh nhưng phát âm không rõ & sai, thành ra người nghe sẽ không nghe được/ hiểu sai ý/ bỏ sót thông tin. Lưu ý: Nói rõ ràng không liên quan đến tốc độ nói nhanh hay chậm nhé. Nếu bạn nói nhanh nhưng vẫn rõ & người nghe vẫn nghe được thì okay. Nếu vẫn còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài test thì nên cố gắng cải thiện phát âm của mình. Phát âm là 1 trong 4 tiêu chí quan trọng trong Ielts Speaking. Phát âm tốt không những giúp bạn truyền đạt ý tưởng của mình tốt hơn đến người nghe mà còn cải thiện khả năng nghe của bạn. Vd: Bạn không nghe được/nghe không hiểu khi người bản xứ phát âm đúng vì bạn hay phát âm sai/ không hiểu các quy luật phát âm. Khi đã biết cách phát âm đúng/ hiểu các quy luật phát âm thì khả năng nghe của bạn từ đó cũng cải thiện.

2. Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, không nói lan man/lạc đề (go off topic). Độ dài gợi ý của mình cho câu trả lời theo từng phần:

Ielts Speaking Part 1

Trả lời khoảng 2-3 câu. Vd: Where are you from? Bạn sẽ không muốn trả lời cụt ngủn “Ho Chi Minh” hay chỉ 1 câu “I’m from Ho Chi Minh city” mà sẽ thêm thắt 1 chút xíu “I was born and raised in Ho Chi Minh city, one of the biggest cities in Vietnam.” Lưu ý là thêm thắt 1 chút thôi, không cần trả lời quá dài dòng ở phần này. Tưởng tượng là mình đang ngồi ở quán cafe nói chuyện với 1 người bạn mới quen ấy. Ở ngoài đời khi ai hỏi bạn từ đâu đến, bạn đâu có đưa cho người ta 1 bài diễn văn bất tận về lịch sử thành phố nơi bạn sống đúng không nào. Lời khuyên “từ 2 – 3 câu” của mình không phải là quy luật mà là gợi ý, tùy vào câu hỏi mà bạn có câu trả lời hợp lý nhé.

Ielts Speaking Part 2

Cố gắng triển khai đủ ý để nói trong 1,5p – 2p hoặc hơn 1 chút. Lời khuyên của mình là tận dụng 1 phút chuẩn bị thật hiệu quả để có được dàn ý cho phần độc thoại này. Khi nói chỉ cần bám vào những gạch đầu dòng trong dàn ý đã ghi chú để nói, bạn sẽ nói lưu loát cũng như trả lời đủ ý cho câu hỏi. Bạn học trò của mình mắc lỗi là phần 2 không triển khai đủ ý/ bí ý nên lúc đầu bạn chỉ nói được tầm 1 phút hơn là ngưng. Câu trả lời ngắn như vậy thường sẽ không đủ ý, không thỏa mãn được câu hỏi.

Một số cách để triển khai ý trong Ielts Speaking part 2

+ Trả lời ĐỦ những câu hỏi gợi ý (giám khảo sẽ đọc cho bạn). Vd:

Những câu hỏi gợi ý cho câu hỏi “Describe a book you have recently read” : What kind of book it is (thể loại sách là gì), what it is about (nội dung về cái gì), What sort of people would enjoy it (ai sẽ thích sách này), explain why you liked it (tại sao bạn thích nó).

Tại sao lại là trả lời đủ? Nếu câu trả lời của bạn chỉ xoáy vào 1 phần (vd: tại sao bạn thích nó) thì bạn có thể hơi lạc đề – chưa “describe” được cuốn sách. Bản thân mình cũng từng bị vướng lỗi này khi thi Ielts. Trong 1 lần thi, khi gặp đề “Describe a memorable trip”, mình đã nói quá nhiều vào phần chuẩn bị cho chuyến đi, dẫn đến không đủ thời gian để mô tả chi tiết hơn về chuyến đi.

+ Trong trường hợp không có ý tưởng để trả lời những câu hỏi gợi ý, tự đặt câu hỏi WH questions cho mình. WH questions là những câu hỏi bắt đầu bằng những từ như What, Who, When, Where, Which, How, Hong long, How far… Lưu ý: bạn không phải chỉ được trả lời những câu hỏi gợi ý. Đó chỉ là “gợi ý”, giúp bạn trả lời câu hỏi chính thôi. Miễn là bạn có thể triển khai đủ ý tưởng để trả lời câu hỏi chính trọn vẹn, câu trả lời của bạn vẫn đủ tốt. Vd: bạn tự hỏi bản thân: What the book looks like (miêu tả ngoại hình cuốn sách), Who recommended it to you (ai giới thiệu bạn sách đó). Lưu ý là đối với câu hỏi “Describe a book” thì bạn phải trả lời được phần quan trọng nhất “What it is about” – nội dung cuốn sách nhé. Mấy câu kia chỉ là “râu ria” thôi.

+ Trường hợp quá bí ý tưởng: Nếu thật lòng là không có ý tưởng gì luôn thì bạn có thể hơi “lạc đề” 1 chút bằng cách nói về những thứ xung quanh chủ đề chính. Vd: nếu không biết phải mô tả cuốn sách như thế nào luôn thì bạn tập trung vào giải thích tại sao bạn thích nó. Mình không khuyến khích cách này, nhưng đây là last resort (cách cuối cùng). Nói không đúng trọng tâm nhưng vẫn cố gắng nói một chút liên quan thì vẫn tốt hơn là hoàn toàn im lặng.

3. Cố gắng sử dụng các thì (Past, Present, Future) & các cấu trúc câu (Simple – câu đơn, Compound – câu ghép, Complex – câu phức) khác nhau để giám khảo thấy được cái grammatical range (sự đa dạng trong cấu trúc ngữ pháp) của bạn.

Ielts Speaking Part 3

Trả lời khoảng 4-5 câu. Phần 3 là follow-up của phần 2, các câu hỏi sẽ liên quan đến chủ đề của phần 2 và có phần trừu tượng hơn, đòi hỏi critical thinking (tư duy phản biện) nhiều hơn. Vd vẫn là chủ đề về Books, các câu hỏi ở phần 3 có thể là: What kind of books are considered good reads in your opinion? (Thể loại sách nào bạn nghĩ là hay), How our reading habit changes as we grow up? Why does it happen? (Tại sao thói quen đọc lại thay đổi khi ta lớn lên, đâu là nguyên nhân). Một lần nữa, 4-5 câu ở đây chỉ là gợi ý, tùy vào câu hỏi mà bạn trả lời cho hợp lý nhé. Nhưng điều chắc chắn là câu trả lời của part 3 thường sẽ dài hơn part 1 vì câu hỏi phức tạp hơn & thường sẽ cần giải thích nhiều hơn.

4. Chọn lọc tham khảo những nguồn/thông tin chính thống & đáng tin cậy. Vì chứng chỉ Ielts ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam & trên cả thế giới nên mạng internet tràn ngập những thông tin & tips về cách làm bài thi Ielts. Để tránh tiền mất tật mang, bạn nên chọn lọc thông tin khi tham khảo các tài liệu này. Vd, để biết chính xác các tiêu chí chấm điểm của giám khảo cho từng hạng mục thì bạn lên trang chủ của Ielts. Để hiểu ý nghĩa của từng tiêu chí thì có thể tham khảo trang của IDP hoặc British Council, 2 đơn vị tổ chức kỳ thi này. Mình hay nghe học trò nói những câu như “thầy này/cô kia nói là …” hay “trên mạng kêu là …”. Tham khảo nhiều nguồn khác nhau là tốt, tuy nhiên, nếu thấy nghi ngờ những thông tin được cung cấp, hãy tự mình nghiên cứu & kiểm tra những nguồn uy tín.

5. Luyện tập làm mock test thật nhiều trước ngày thi. Đây là điều bắt buộc phải làm nếu bạn muốn hoàn thành bài thi tốt nhất (best performance). Làm mock test nhiều sẽ giúp tăng phản xạ nói (cho tất cả các phần) & phản xạ đưa ra ý tưởng (cho speaking part 2). Bạn có thể luyện tập cùng giáo viên hoặc 1 người bạn, không nhất thiết phải ra trung tâm làm.

6. Có một giáo viên có kinh nghiệm & am hiểu chỉ ra được cho bạn những lỗi sai bạn đang mắc. Như mình đã nói ở trên, mỗi người học sẽ có những vấn đề riêng khác nhau (ngữ pháp, từ vựng, phát âm, lưu loát, triển khai ý…) nên việc có giáo viên giỏi & am hiểu chỉ ra đúng những lỗi bạn đang sai sẽ giúp bạn ôn tập hiệu quả hơn. Bạn cũng có thể nhờ 1 người bạn giỏi Tiếng Anh/người bản ngữ hỗ trợ nhưng đảm bảo là họ nắm được cách chấm bài Ielts để góp ý sát & hợp lý hơn cho bạn.

7. Chuẩn bị tâm lý thật thoải mái khi đi thi. Lo lắng và căng thẳng quá mức sẽ ngăn cản dòng chảy của ý tưởng khi bạn nói. Hãy tự nhủ với bản thân là bạn đã luyện tập rất chăm chỉ rồi, hít một hơi thật sâu & nói với một phong thái tự tin nhất có thể thôi.

Hi vọng là những tips ở trên bổ ích cho bạn. Subscribe blog của mình để cập nhật những bài viết bổ ích khác về học & dạy Tiếng Anh nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể follow mình trên Hannah’s Journey English fan page hoặc gửi mail cho mình đến: hannahtransjourney@gmail.com. Mình sẽ cập nhật thông tin về các khóa học Phát Âm, Giao Tiếp & Tutoring trên 3 kênh này. Chúc các bạn 1 ngày nhiều niềm vui! 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *