Chào các bạn, mình là Hannah. Sở thích của mình là đọc sách, nghiền ngẫm, viết lách & trải nghiệm những thứ mới mẻ. Trong những cuốn sách về tư duy sáng tạo, Big Magic là một trong những cuốn mình thích nhất vì nó giúp mình phá vỡ một số rào cản tư duy mình tự đặt cho bản thân cũng như cho mình động lực để theo đuổi đam mê sáng tạo. Thành quả lớn nhất mình đã làm được sau khi đọc sau cuốn sách này là mạnh dạn đăng ký 1 khóa học về Creative Writing – Kỹ Năng viết Sáng Tạo, một kỹ năng mà mình đặc biệt yêu thích cũng như hoàn thành được truyện ngắn đầu tay bằng Tiếng Anh “The Dreamwalker” dài 6000 từ. Bạn có thể tìm đọc truyện trong cuốn “Short Story Anthology” trên Amazon. Sau đây là một số điều tâm đắc mình rút ra sau khi đọc Big Magic:
1. Chúng ta không cần được người khác cho phép để sống một cuộc đời sáng tạo
(You do not need anyone’s permission to live a creative life)
Bạn muốn hay thích tạo ra một cái gì đó? Cứ làm thôi! Viết sách, làm thơ, vẽ tranh, chụp hình, học nhảy, nấu ăn, thêu thùa, nặn đất sét, đánh đàn, gõ code…?
“Take it seriously, sure – but don’t take it seriously.”
Elizabeth Gilbert
Đúng là bạn cần phải nghiêm túc khi bắt tay làm một cái gì đó, nhưng mà cũng đừng có nghiêm túc quá. Quan trọng là những trải nghiệm mà bạn có được khi làm những việc đó. Bạn không cần phải từ bỏ công việc đang làm để bắt đầu sáng tạo. Hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản như mua hộp bút màu & thả trí tưởng tượng vào trang giấy, hay viết về những trải nghiệm trong ngày của bạn vào nhật ký hàng đêm.
Bạn nghĩ bạn không có khả năng sáng tạo. Ummmm mình không nghĩ vậy. Nếu bạn đang còn sống, bạn là người sáng tạo.
“If you’re alive, you’re a creative person.”
Elizabeth Gilbert
Dòng máu sáng tạo luôn chảy trong người bạn. Hãy cho phép bản thân được sáng tạo.
Bạn sợ bạn sẽ làm “sai”? Hãy xem bài phát biểu TED Talks này của Ken Robinson: Do schools kill creativity? Ken đã nói 1 câu rất hay:
“If you’re not prepared to be wrong, you’ll never come up with anything original.”
Ken Robinson
2. Tính Nguyên Bản và Tính Chân Thực
(Originality vs. Authenticity)
Đã có bao giờ bạn có ý tưởng làm một việc gì hay sáng tạo ra một cái gì đó nhưng cuối cùng lại thôi vì cho rằng ý tưởng đó đã có người làm rồi chưa? Có một điều bạn quên mất là, ý tưởng đó chưa được làm bởi…BẠN.
Cùng một cốt truyện, các nhà làm phim có thể sáng tạo ra nhiều phiên bản phim hoàn toàn khác biệt. Khác biệt đến nỗi nếu không để ý hay có người chỉ ra thì chúng ta cũng không nhận ra là cốt truyện của chúng cũng khá giống nhau. Ví dụ như phim Taken và Finding Nemo đều kể về một ông bố yêu thương và bảo vệ con hết mực đã vượt qua trăm ngàn hiểm nguy để tìm lại đứa con bị bắt cóc. Một bên là phim hành động nổi tiếng của Liam Neeson với những pha “chặt” cổ kinh điển do người đóng, một bên là phim hoạt hình gia đình của Disney với những nét vẽ dễ thương.
Nếu cho 2 đứa bé mỗi đứa 1 tấm canvas, cọ vẽ, màu vẽ và bảo chúng cùng vẽ về chủ đề chú mèo vàng nằm sưởi nắng mà không được nhìn đối phương, liệu chúng có tạo ra 2 bức tranh giống y như nhau không? Mình không nghĩ vậy.
Hay nếu có ai đó kêu bạn và người bạn thân cũng mới đi Đà Lạt chung “Viết về chuyến đi Đà Lạt của 2 người”, có chắc là trải nghiệm của 2 người sẽ hoàn toàn giống nhau? Mình nghĩ là mỗi người chúng ta đều sẽ có những điểm highlights và những trải nghiệm riêng cho cùng 1 hành trình.
Elizabeth có một số câu khá hay về vấn đề này:
“Everything reminds us of something. But once you put your own expression and passion behind the idea, that idea becomes yours.”
Elizabeth Gilbert
Đừng quá sợ hãi với việc phải sáng tạo ra một cái mới hoàn toàn, có thể chủ đề đó không mới, nhưng bạn sẽ là người thổi hồn vào nó và biến nó thành cái của bạn.
“If it is authentic enough, it will feel original.”
Elizabeth Gilbert
Nếu tác phẩm của bạn đủ chân thực thì nó sẽ làm cho người ta cảm nhận được tính nguyên bản của nó. Vẽ một “con mèo” không mới nhưng vẽ làm sao để “con mèo” đó trở nên mới mẻ, thú vị & nguyên bản?
Xin đừng nhầm lẫn việc sử dụng một chủ đề/ý tưởng phổ biến với đạo văn (plagiarism). Định nghĩa của đạo văn là “presenting someone else’s work or ideas as your own, with or without their consent, by incorporating it into your work without full acknowledgement.” Chỉ đơn giản sao chép/cắt dán ý tưởng của người khác rồi biến nó thành của mình không phải là cái mình muốn nói ở đây nhen.
3. Sự bền bỉ
(Persistence)
Elizabeth chia sẻ cô vẫn giữ công việc chính của mình (day job) trong một thời gian dài. Cô chỉ nghỉ việc để trở thành 1 nhà văn toàn thời gian sau khi xuất bản cuốn sách thứ 4 “Eat, Pray, Love” – Ăn, Cầu Nguyện, Yêu – cuốn sách cực kì nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim. Tương tự, bạn không cần phải nghỉ ngang công việc đang làm để đi theo tiếng gọi của con tim. Hãy đi từng bước một. Dành một chút thời gian cho nó. Đăng ký thử một khóa học. Thử nghiệm. Gửi thành quả của bạn cho bạn bè, người thân, những người quan tâm đến bạn và có thể cho bạn nhận xét. Nếu bạn thành công và trở thành một người có tiếng nói trong lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo mà bạn đã lựa chon? Chúc mừng bạn. Nếu không? Ít ra thì bạn đã thử sức và tìm thấy niềm vui khi sáng tạo nên những gì mình thích.
Mình hi vọng là những chia sẻ của mình ở trên hữu ích cho bạn. Bạn có thể tìm đọc “Big Magic” theo link bên dưới:
Link “Big Magic” – bản Tiếng Anh – Tiki
Link “Big Magic” – bản Tiếng Anh – Fahasa
Chúc bạn tìm thấy niềm vui trong việc sáng tạo và làm những điều mình thấy ý nghĩa nhé 🙂
In brief, I can’t recommend this blog enough. It’s a must-view for anyone interested in topic above. Good work to the writer, you have truly outsmart yourself! Keep the good content coming.